Ads Top

Giảm đau sưng khớp bằng thực dưỡng

Ngoài việc sử dụng thuốc, áp dụng chế độ ăn uống hợp lý điều trị bệnh viêm xương khớp, một số món ăn, bài thuốc cổ truyền có tác dụng giảm đau sưng, hỗ trợ điều trị tốt bệnh viêm khớp được các bác sĩ khuyến cáo có thể tham khảo áp dụng.

Mặc dù cùng là bệnh viêm xương khớp nhưng mỗi thể trạng khác nhau lại có chế độ ăn khác nhau. Người có tình trạng dinh dưỡng kém mà bị viêm đa khớp dạng thấp nên ăn nhiều hơn bình thường bằng cách ăn thành nhiều bữa nhỏ (bữa phụ) để dung nạp tốt hơn. Bệnh thoái hóa khớp và viêm đa khớp dạng thấp cần ăn: Thịt lợn, thịt gia cầm (gà, vịt, bò) cá biển, tôm, cua, sò; ngũ cốc: lúa mì, lúa mạch... Bổ sung thêm: vitamin D, B, K, folic acid, calcium, sắt có chứa trong các loại rau. Dùng các loại dầu chứa acid béo omega 3 như: dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ô-liu...

Tất cả món ăn làm tăng chất mỡ trong máu đều bất lợi cho người đang bị viêm khớp vì xúc tác phản ứng viêm tấy ở mặt trong bao khớp. Do đó không chỉ thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm-bông mà ngay cả bánh kẹo cũng không nên có trong khẩu phần của người đang uống thuốc kháng viêm. Không ăn ngô khi khớp đang đau vì trong ngô có nhóm hoạt chất dễ gây nên tình trạng dị ứng dưới dạng viêm khớp.

Dưới đây là một số món ăn bài thuốc giúp hỗ trợ giảm đau sưng, tốt cho người bệnh khớp có thể thay đổi để áp dụng.



Khu phong, tán hàn, trừ thấp, kiện tỳ, thông kinh lạc. Dùng tốt cho người bệnh viêm đa khớp dạng thấp: Gạo lứt 100g, ý dĩ nhân 100g. Cách làm: Vo sạch gạo lứt, ngâm nước hơn 2 giờ. Đãi sạch ý dĩ nhân, để ráo. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gạo và ý dĩ nở chín nhừ là được. Dùng vào bữa sáng và bữa tối.

Khu phong, tán hàn, trừ thấp, giảm đau nhức. Dùng tốt cho người bệnh viêm đa khớp dạng thấp: Đậu đỏ 50g, tỏi sống 20g, gạo lứt 100g. Cách làm: Gạo lức, đậu đỏ vo sạch, ngâm nước cho mềm. Hai thứ cho vào nồi cùng một lượng nước vừa đủ, nấu sôi, hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi gạo lứt và đậu đỏ nở chín nhừ, thêm tỏi đã đập giập vào, nấu sôi lại là được. Dùng ăn nóng khi đói bụng.

Chữa khớp gối sưng lan, hơi nóng: Bột bạch phục linh 20g, xích tiểu đậu 50g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 100g. Cách làm: Xích tiểu đậu nấu tới mười phần chín năm, rồi thêm gạo tẻ và đại táo vào nấu cháo, khi sắp đặc, thêm bột phục linh vào nấu thành cháo đặc, ăn ngày 1 lần.

Dùng chữa âm hư, nóng trong, khớp gối sưng nóng đỏ, đau nhiều do thoái hoá khớp gối: Ý dĩ nhân 50g, đậu xanh 25g, bách hợp tươi 100g. Cách làm: Bách hợp tẽ cánh, xé bỏ màng trong, dùng chút muối tinh bóp nhẹ, rửa sạch để bỏ vị đắng; nấu đậu xanh và ý dĩ nhân cho nhừ, sau thêm bách hợp nấu tới đặc. Khi ăn thêm chút đường trắng, chia ăn sáng và tối.

Làm ấm cơ thể, giảm đau nhức. Dùng tốt cho người bị đau nhức khớp xương do các khí phong, hàn và thấp gây ra: Lá lốt 50g, thịt lợn nạc 100g, gừng tươi 5g, lá ngải cứu, gia vị vừa đủ. Cách làm: Thịt lợn băm nhỏ, ướp gia vị. Lá lốt rửa sạch, xắt nhỏ, thêm nước nấu sôi thì cho thịt vào, nấu thành canh, cho thêm vài lát gừng và lá ngải cứu xắt nhỏ, khuấy đều là được. Dùng ăn nóng trong bữa cơm.

Khu phong, trừ thấp, giảm đau, dùng cho các trường hợp đau nhức tay chân, nổi ban dị ứng: Khoai sọ 60g, xương chân hoặc xương sống lợn 100g, gia vị vừa đủ. Cách làm: Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch; xương lợn chặt thành đoạn ngắn, ướp gia vị. Ninh xương nhừ, sau đó cho khoai sọ vào đun chín mềm, ăn ngày 2 lần.

BS Nguyễn Lệ Quyên (Khoa Đông y, Bệnh viện Đa Khoa Hà Giang)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.